Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Biển Đông và không thể thỏa hiệp

Trước những vấn đề nóng bỏng ở Biển Đông, tất cả mọi người dân Việt đều mong muốn Nhà nước, Chính Phủ và nhân dân xử lý phải hết sức sáng suốt, khi mà kẻ dựa vào mặt này mặt kia để gây sức ép, người thì vinh vào điều này điều nọ để đổ thêm dầu. Và một lập trường rõ ràng từ Chính Phủ sẽ tăng sức mạnh đồng thuận.
Khi mà sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông càng tăng thì chúng ta cũng bị tăng khó khăn và sức ép. Cứ nhìn biểu hiện về hành chính, quân sự của Trung Quốc như vậy chúng ta cứ nghĩ rằng họ gặp khó khăn về mặt trận ngoại giao và ta có thuận lợi hơn một chút. Nhưng thực sự không phải vậy, mặt trận ngoại giao nơi chúng ta có thể đấu tranh thuận lợi thì lại mà nơi chúng ta cũng gặp khó khăn nhất.
Thứ nhất đó là về cách thức và mức độ phổ biến thông tin ra cộng đồng thế giới như nhiều người đã đề cập.
Khó khăn thứ hai rất quan trọng là về mặt nguyên tắc và lập trường. Các giới chức trách và truyền thông Trung Quốc luôn giữ và rêu rao luận điệu rằng “Chủ quyền là của tôi, gác lại tranh chấp, cùng chung khai thác”. Đó là cách mà người Trung Quốc đã vận dụng một  nguyên tắc trong đàm phán Win-Win - Hai bên cùng thắng là “Cái gì của tôi là của tôi, cái gì của anh chúng ta có thể thương lượng, kết quả đạt được là chúng ta cùng thắng”. Đấy chính là tiền đề và cũng là cơ sở để Trung Quốc biến từ không thành có một cách hợp lý bên cạnh các hành động quân sự chiếm đoạt phi lý. Với luận điệu trên, nếu chúng ta chấp nhận  ‘gác lại tranh chấp, cùng chung khai thác’ thì chúng ta đã mắc vào mưu của Trung Quốc trong việc cố gắng biến từ không thành có; nếu chúng ta giữ vững lập trường không chấp nhận luận điệu phi lý đó thì trước dư luận quốc tế nhìn vào một vùng nhùng nhằng như vậy họ cho rằng chúng ta thiếu thiện chí khi mà Trung Quốc đưa ra nguyên tắc khá “hòa bình”.  Cũng có nhiều học giả quốc tế đã nhận ra nguyên tắc chủ quyền của Trung Quốc là khó chấp nhận nhưng việc ‘gác lại tranh chấp, cùng khai thác’ thì chắc nhiều người, nhiều nước tán đồng và đó thực sự là khó khăn cho chúng ta bởi vì với chúng ta phải là Không! Luận điệu đó cũng có thể thuyết phục các nước khác thỏa hiệp từ đó giúp Trung Quốc đặt được bước chân vào vấn đề một cách hợp pháp.
Cách tiếp cận theo lập trường trên cũng được Trung Quốc đưa ra trong giải quyết tranh chấp với Nhật, nhưng Nhật hoàn toàn bác bỏ. Và đó chính là nhiệm vụ nặng nề của ngoại giao, truyền thông, người dân Việt trong việc bác bỏ hoàn toàn lập trường trên của Trung Quốc tại Trường Sa.
Chúng ta phải hướng tới các nước liên quan nhận ra rằng “Không có chỗ cho Trung Quốc ở Trường Sa”. Việc viện dẫn lịch sử đó là chuyện lâu dài và không phải bất cứ một công dân nào trên thế giới cũng biết và hiểu được - thậm chí giới quan chức, truyền thông quan tâm tới vấn đề cũng chưa hẳn biết và hiểu hết về lịch sử. Nhưng chuyện Trung Quốc đánh chiếm đảo của Việt Nam, cướp đoạt của Philippines là điều mà chúng ta có thể làm cho mọi người trên thế giới biết và hiểu ai đang là kẻ cướp tại Biển Đông. Nếu có một kẻ chuyên trộm cướp, và chỉ một người tố cáo hành vi đó thì có thể chưa ai tin, nhưng hai ba người cùng tố cáo thì người ngoài sẽ nhìn nhận lại khác, gia đình họ cũng phải suy nghĩ lại. Việt Nam và Philippines cũng đều là nạn nhân của trong việc Trung Quốc vừa ăn cướp vừa la làng, và rồi tới các nước như Brunei, Malaysia, Indonesia cũng sẽ bị như vậy một khi Trung Quốc dấn sâu xuống. Việt Nam phải luôn chủ động đưa ra giải pháp. Được sự đồng thuận của cả một Asean đó là một điều tốt, nhưng nếu không được như vậy thì chúng ta cũng có thể giới hạn lại sự đồng thuận trong các nước có cùng nguy cơ để tránh cho Trung Quốc nhìn vào một vài vấn đề như Campuchia và Thailand (chẳng liên quan) rồi cho rằng chúng ta mất đi sự đồng thuận mà lấn tới. Việc tổ chức các hội nghị hội thảo sẽ có giá trị hơn khi mà cả Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia cùng chung tiếng nói. Cần thiết nên có các đặc phái viên phụ trách vấn đề thường xuyên qua lại lẫn nhau để cùng chia sẻ thông tin, lập trường, hành động với nhau trước mỗi kỳ hội nghị, hội thảo hay trước một sự kiện xảy ra. Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia có thể cùng nhau tự xây dựng bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông Nam Á, (thậm chí có thể công nhận lẫn nhau) mà không cần sự tham gia của Trung Quốc. Điều này nếu làm được sẽ: tăng sự đồng thuận; tăng sự tin tưởng (ví dụ xây dựng điều khoản ‘trong các nước không ai được đàm phán, thỏa thuận cùng khai thác chung với Trung Quốc tại Biển Đông Nam Á’); … . Khi đó Trung Quốc như là kẻ ngoài vòng pháp luật, tất nhiên Trung Quốc có thể ỷ mạnh làm càn theo thói quen ăn cướp bành trướng - ví dụ họ có thể tự đặt giàn khoan trong vùng nhưng với các nước trên đều không hợp pháp do đó khi các nước cùng phản đối, đấu tranh trước quốc tế hoặc về lâu dài sẽ không bị vướng mắc hay ràng buộc. Đó cũng có thể là cách để không có nước nào thỏa hiệp với Trung Quốc tại Trường Sa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét